Các trường hợp không phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng
Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng được pháp luật quy định tại Khoản 3 Điều 2 Văn bản hợp nhất 06/VBHN-BTC năm 2017 hợp nhất Nghị định hướng dẫn Luật Thuế giá trị gia tăng do Bộ Tài chính ban hành, cụ thể như sau:
a) Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác;
b) Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam, bao gồm các trường hợp: Sửa chữa phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị (bao gồm cả vật tư, phụ tùng thay thế); quảng cáo, tiếp thị; xúc tiến đầu tư và thương mại; môi giới bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; đào tạo; chia cước dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài mà các dịch vụ này được thực hiện ở ngoài Việt Nam;
c) Tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không phải là người nộp thuế giá trị gia tăng bán tài sản;
d) Tổ chức, cá nhân chuyển nhượng dự án đầu tư để sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hợp tác xã;
đ) Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường được bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 5 Luật thuế giá trị gia tăng.
Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể quy định tại các Khoản 2 và 3 Điều này.
Như vậy, với câu hỏi của bạn, Ban biên tập Thư Ký Luật xin trả lời như sau: Các hàng hóa, hóa thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật đều phải kê khai tính nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật. Nhưng bên cạnh đó vẫn có một số trường hợp pháp luật quy định không phải kê khai tính nộp thuế giá trị gia tăng như các khoản thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ và các khoản thu tài chính khác, các chủ thể không kinh doanh, các hàng hóa là sản phầm liên quan đến nông nghiệp chưa qua chế biến hoặc chỉ qua sơ chế thông thường, và các trường hợp khác mà pháp luật có quy định.
Trên đây là nội dung câu trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này, bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Văn bản hợp nhất 06/VBHN-BTC năm 2017.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật